21 Tháng Mười Một, 2019
Theo Sở NN&PTNT, để hướng tới phát triển bền vững, thời gian qua, thành phố đã định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản theo chuỗi, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, đảm bảo ATTP, như: Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh; hệ thống tưới tiết kiệm; canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… Từ chỗ chưa có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hiện nay toàn thành phố đã có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 28%, trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt đạt 18,9%, chăn nuôi 35,5%, thủy sản 13%. Nhìn chung, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao hơn so với mô hình truyền thống 10-12% và hiệu quả kinh tế tăng 25-28%.
Đẩy mạnh thay đổi phương thức canh tác, chăn nuôi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa được 79.183/75.980ha. Từ đó, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: 101 vùng rau an toàn với quy mô từ 20ha trở lên, 154 cánh đồng diện tích lớn trồng lúa chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống 25-30%; vùng trồng rau an toàn cho giá trị sản xuất 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả với giá trị 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh cho giá trị 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm; các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với giá trị 1-2 tỷ đồng/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản hiệu quả tại một số huyện: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thành phố xác định, mục tiêu giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi khoảng 6.500ha trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trước đó, từ năm 2015 đến năm 2018, trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi được hơn 7.747ha trên đất trồng lúa; dự kiến con số này đến năm 2020, được nâng lên hơn 8.406ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và kết hợp sản xuất thủy sản.
Các diện tích trồng lúa chủ yếu chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả của thành phố cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3 đến 8 lần. Trong đó, cây nhãn tập trung chuyển đổi tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Mỹ Đức; cây có múi tập trung tại các chân ruộng cao có độ phù sa trung bình đến khá tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức… Diện tích trồng hoa ở các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng… Diện tích trồng rau ở các huyện:
Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn thành phố có khoảng 85% cơ sở chăn nuôi lợn xử lý chất thải qua hầm khí Biogas bằng bạt HDPE và hệ thống bể lắng xử lý; 15% thải trực tiếp ra môi trường qua hệ thống thải chung, thải xuống ao nuôi cá không qua xử lý. Còn trong chăn nuôi trâu, bò có 60% cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải lỏng qua hầm khí Biogas bằng bạt HDPE và hệ thống bể lắng.